Tin tức» Hoạt động chuyên môn
Quản lý chướng ngại vật hàng không tại sân bay Điện Biên Phủ
Quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không là một nội dung quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cho hoạt động bay, sân bay, các trận địa phòng không, các khu vực bay đặc biệt; đồng thời là nội dung cơ bản để giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch không gian đô thị, phát triển kinh tế- xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh.
Trải qua gần 10 năm hoạt động, việc quản lý chướng ngại vật hàng không cũng như duy trì bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không tại sân bay gặp rất nhiều khó khăn, Nghị định 20/2009/NĐ-CP về quản lý chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam khi đó chưa ra đời (nay là Nghị định 32/2016/NĐ-CP) rất khó triển khai do thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện. Nghị định 20 áp dụng tiêu chuẩn và xác định các bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không cho các sân bay dùng chung giữa quân sự và dân sự. Tuy nhiên, Nghị định số 20/NĐ-CP không có khái niệm “sân bay dân dụng” mà chỉ có “sân bay quân sự” hoặc “sân bay dùng chung” đến năm 2016 khi Nghị định số 32/2016/NĐ-CP ra đời mới có khái niệm “sân bay dân dụng” điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Trên thực tế, quy định trong Nghị định chưa đủ để đảm bảo an toàn cho hoạt động bay khi thực hiện phương thức bay dân dụng, đặc biệt là khu vực tĩnh không đầu đường cất hạ cánh khi phải thực hiện phương thức ứng phó trong trường hợp máy bay hỏng động cơ.
Về tĩnh không tại khu vực các đài, trạm hàng không, mặc dù được Luật Hàng không 2006 quy định rõ nhưng trong Nghị định chưa cụ thể hóa và cũng không đề cập tới việc cấp phép hoặc thỏa thuận về độ cao, vị trí cho các đài, trạm hàng không cũng như việc quản lý chướng ngại vật trong khu vực hoạt động của đài, trạm.
Đặc biệt, công tác quản lý chướng ngại vật tại sân bay còn nhiều tồn tại, địa phương cấp phép cho các công trình xây dựng mà không tham khảo quy hoạch cũng như quy định về tĩnh không sân bay khiến công tác giải tỏa, đảm bảo an toàn bay gặp nhiều hạn chế. Nhiều hộ dân xây dựng công trình sai phép hoặc không có giấy phép vi phạm tĩnh không sân bay nhưng các cơ quan chức năng cũng chưa xử lý triệt để.
Trong những năm qua, mặc dù đã có bản cam kết được người dân sống gần cảng hàng không, sân bay ký với cơ quan chức năng nhưng tình trạng vi phạm hoặc thiếu hiểu biết về tĩnh không sân bay vẫn chưa được xử lý triệt để, điều này tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay rất cao, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp.
Đại diện Cảng vụ HKMB tại Điện Biên đã gửi nhiều văn bản cho UBND tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành liên quan nơi giáp ranh sân bay và họp phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng thả diều, vật thể bay tại các khu vực lân cận sân bay, cảng hàng không và triển khai phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tại các phường Thanh Bình, Thanh Trường và Mường Thanh để xử lý các chướng ngại vật vi phạm tĩnh không sân bay Điện Biên Phủ.
Đại diện cũng đã chủ trì, phối hợp với Cảng hàng không Điện Biên tổ chức Hội nghị đảm bảo an ninh, an toàn tĩnh không với UBND các xã, phường lân cận, khu vực giáp ranh Cảng hàng không Điện Biên, nhằm tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn tĩnh không, an toàn hoạt động bay cho cán bộ chính quyền địa phương và người dân các xã, phường lân cận. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đôn đốc người dân tự chặt hạ các cây xanh có chiều cao vi phạm tĩnh không. Lập biên bản xử lý vi phạm hành chính các trường hợp xây dựng sai phép vi phạm tĩnh không sân bay. Hướng dẫn và phối hợp với Sở Giao thông vận tải tháo dỡ các cột đèn từ Km194+300 đến Km194+425. Phối hợp với công an, chính quyền địa phương trong việc cưỡng chế, chặt hạ vườn cây, yêu cầu Công ty cổ phần vận tải ô tô Điện Biên tự tháo dỡ, di rời nhà tạm vi phạm tĩnh không sân bay góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cho các chuyến bay. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, thường xuyên phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến tới các tổ chức, cá nhân ở địa phương trong việc duy trì, quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay đi/ đến Cảng Hàng không Điện Biên.
Đại diện Cảng vụ HKMB tại Điện Biên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng không tại Cảng hàng không Điện Biên. Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của đơn vị. Làm cho pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống xã hội, nâng cao nhận thức và tạo dựng những đồng thuận trong nhân dân.
Đại diện Cảng vụ HKMB tại Điện Biên