Tin tức» Công đoàn-Đoàn Thanh niên

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022) - truyền lửa về lý tưởng sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên Cảng vụ hàng không miền Bắc

Cập nhật: 05/08/2022

“Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng
Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng - đứng - Việt - Nam tạc vào thế kỷ
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân. 

Tên anh đã thành tên Đất Nước
Ôi anh Giải phóng quân
Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”

                                        (Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)

Khúc tráng ca hòa bình lịch sử với “Dáng đứng Việt Nam” có lẽ không còn xa lạ với mỗi chúng ta khi cảm nhận thông điệp về sự hy sinh cao cả, thầm lặng nhưng rất anh dũng của các chiến sĩ giải phóng quân trên khắp chiến trường ác liệt những năm về trước. Các anh, các chị không để lại “một tấm hình” hay “một dòng địa chỉ” nhưng mãi mãi là những “bức tường đồng” được tôn vinh, gìn giữ và ghi nhận như những giá trị văn hóa vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Những ngày 27/7 lịch sử rất gần mà cũng rất xa năm ấy1,

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần quật cường, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh, cống hiến xương máu, sức lực trên các chiến trường. Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đối với đất nước, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác, sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Hội. Chiều ngày 28/5/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương tùy theo điều kiện của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.

Sau đó, nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ bộ đội được phát động, đáng chú ý nhất là cuộc vận động "Mùa đông binh sỹ". Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban vận động đã họp phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sỹ. Chiều ngày 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong “Mùa đông binh sỹ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ” trong cả nước để giúp chiến sỹ trong mùa đông giá rét với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ. Ngay tại buổi lễ, Người đã cởi chiếc áo len đang mặc để tặng lại các binh sỹ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sỹ, nhất là những chiến sỹ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sỹ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sỹ. Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sỹ và thực hiện Chỉ thị Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hằng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sỹ. Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

 
 

Ngày 02/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (Nguồn: bảo tàng Hồ Chí Minh)

 

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” của cả nước.

Ngày 27/7 hôm nay – TỰ HÀO – THÀNH KÍNH – TƯỞNG NHỚ - TRI ÂN

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Đảng ủy Cảng vụ HKMB đã chỉ đạo chính quyền, Công đoàn, Đoàn thanh niên xây dựng kế hoạch bằng những hành động thiết thực để tri ân ngày 27/7. Chúng tôi như bao người dân Việt Nam hiểu rằng “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”; “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.

Bắt đầu các hoạt động kỷ niệm ngày 27/7 là đoàn công tác do Bí thư Đảng ủy Cảng vụ HKMB là Trưởng đoàn đã viếng thăm các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn Cảng HK, SB khu vực phía Bắc trong chuyến công tác tháng 7 vừa qua.

 
 
 
   Đoàn công tác của đ/c Trần Hoài Phương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảng vụ HKMB 
cùng cán bộ, viên chức đại diện CVHK tại CHK Vinh dâng hương 
tại nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An 
 
 
Đoàn công tác của đ/c Trần Hoài Phương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảng vụ HKMB
cùng cán bộ, viên chức đại diện CVHK tại CHK Đồng Hới dâng hương 
tại nghĩa trang Ba Dốc, tỉnh Quảng Bình  
 
 

Đoàn công tác của đ/c Trần Hoài Phương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảng vụ HKMB

cùng cán bộ, viên chức đại diện CVHK tại CHK Cát Bi dâng hương   
tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Phòng
 
 

 Đoàn công tác của đ/c Trần Hoài Phương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảng vụ HKMB
cùng cán bộ, viên chức đại diện CVHK tại CHK Cát Bi dâng hương 
tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh  

 

Đoàn công tác của đ/c Trần Hoài Phương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảng vụ HKMB dâng hương tại đài tưởng niệm Thị Trấn Sao Vàng, tỉnh Thanh Hóa

Thay mặt Đảng ủy Cảng vụ HKMB, đồng chí Trần Hoài Phương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảng vụ HKMB bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và các anh hùng, liệt sỹ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; hứa đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; phát huy truyền thống anh hùng và cách mạng; khơi dậy ý chí, khát vọng trong mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, nỗ lực phấn đấu, xung kích tình nguyện, đổi mới, sáng tạo, tham gia xây dựng Cảng vụ HKMB trong sạch, vững mạnh.

Tại trụ sở Cảng vụ HKMB và Đại diện CVHK tại CHK địa phương đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn cùng thực hiện các hoạt động thiết thực và ý nghĩa như:

Tổ chức gặp mặt, tặng quà đồng chí Nguyễn Đức Thanh là thương binh hạng 3/4 hiện đang công tác tại phòng Giám sát An toàn hàng không, Cảng vụ HKMB:

 

Cán bộ, viên chức Cảng vụ HKMB chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Nguyễn Đức Thanh  nhân dịp 27/7

 

Hình ảnh xúc động khi chia sẻ những câu chuyện thời chiến tranh

với đồng chí Nguyễn Đức Thanh
  

Cảng vụ HKMB tổ chức dâng hương tại 07 nghĩa trang liệt sĩ, 03 đài tưởng niệm các liệt sỹ, tham gia chương trình lễ thắp nến tri ân cùng liên cơ sở đoàn khu vực Nội Bài tại nghĩa trang Liệt sỹ xã Mai Đình.

 
Đại diện CVHK tại CHK Điện Biên dâng hương
tại nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao, tỉnh Điện Biên
 
 
 
 Đại diện Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cảng vụ HKMB dâng hương tại tượng đài liệt sĩ Sư đoàn không quân 371 tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội
 

Đoàn thanh niên Cảng vụ HKMB tham gia cùng liên cơ sở Đoàn khu vực Nội Bài trong các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ

 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự hi sinh của lớp lớp thế hệ con người Việt Nam cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn còn mãi, một thế hệ anh hùng: “Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn/Sống thì đi mà chết thì nằm/ Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn/Đất nước là một cuộc hành quân”(Trần Mạnh Hảo - Đất nước hình tia chớp). Không ai có thể kìm được xúc động khi đứng trước những bia mộ trong nghĩa trang Liệt sỹ, giọt nước mắt nào đã rơi vì hình ảnh hàng ghế trống trang nghiêm, hàng ghế đầu danh dự có chiếc ba lô và mũ cối màu xanh, bên cạnh là ngọn nến tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ trong cầu truyền hình khúc tráng ca hòa bình do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 27/7 vừa qua… Những tâm sự nghẹn ngào, đồng đội tôi, người còn người mất, các con tôi “trốn kỹ” tìm chẳng ra… Hòa bình đâu phải là dễ dàng mà có được, đất nước chúng ta có được “vị thế, uy tín, tiềm lực” như ngày hôm nay là bao gian lao, mất mát và máu. Ngày 27/7 là bài học về bản lĩnh chính trị, lý tưởng sống cho cán bộ, đảng viên, công đoàn viên, đoàn viên Cảng vụ HKMB, sống có khát vọng, sống để cống hiến, sống có ích cho xã hội, biết “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”. Sự hi sinh của thế hệ cha anh đi trước, các anh, các chị sẽ không bao giờ bị quên lãng bởi con người ta chỉ thực sự chết đi khi không còn sống trong lòng người khác, bởi Tổ quốc này đã ghi công!

1: Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022)  

P.TCHC

Ý kiến bạn đọc: 0
Loading.....